Hiểm hoạ từ bình nước lọc giá rẻ

Hiểm hoạ từ bình nước lọc
Trước việc nguồn nước ở một số đô thị đang bị ô nhiễm nặng, đa số dân muốn mua bình lọc để sử dụng. Họ tin các lời chào hàng kiểu như: bình có thể lọc nước uống liền, xử lý được mọi nguồn nước... mà đâu hay có khi uống nước qua bình lọc lại gặp nhiều hiểm hoạ hơn.

Cấp giấy chứng nhận chất lượng: Chưa được quan tâm

Ở Hà Nội, bình lọc nước được bày bán nhiều nhất ở các phố Phùng Hưng, Hàng Bài, Phố Huế, Lê Hồng Phong, Giảng Võ, Nguyễn Thái Học... Trung bình, giá một chiếc bình lọc dao động từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng, tùy thuộc vào thương hiệu cũng như công suất của máy.

Thông thường, các loại bình lọc nước đều có kiểu dáng khá gọn nhẹ, tiết kiệm được diện tích, với chiều cao từ 50 cm đến 1,2 m, đường kính khoảng 40 cm. Việc sử dụng máy khá đơn giản: chỉ cần đổ nước vào phía trên, nước sẽ qua một trụ sứ (có loại là thạch cao) chảy xuống các ngăn chứa những vật liệu dùng lọc nước (than hoạt tính, sỏi...) và cuối cùng chảy vào bình chứa. Khi cần, người sử dụng chỉ việc vặn vòi là có "nước sạch".

Điểm chung dễ nhận thấy nhất khi tiếp cận các cửa hàng bán bình lọc nước chính là khâu chào hàng, với những lời quảng cáo hấp dẫn, đại loại như: "Sử dụng bình lọc này có thể yên tâm. Nó lọc được mọi nguồn nước, kể cả nước giếng khoan, thậm chí nước ao, hồ... và có thể uống ngay”, hoặc "Bình có thể lọc được 99,9% vi khuẩn có trong nước, loại bỏ gỉ sét, khử mùi hôi tanh...".

Chủ một cửa hàng trên phố Nguyễn Thái Học cho biết, các loại bình lọc nước đang bán trên thị trường đều nhập ngoại, chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc như: Korea King, Seoul, FUJIKEYA, Midea, Daiwa. Sau đó là các sản phẩm của Australia, Malaysia... thông qua một công ty trong nước phân phối vào thị trường Việt Nam. Cũng theo chủ cửa hàng này, sở dĩ hàng Hàn Quốc bán chạy vì nhà phân phối sản phẩm này có được giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan y tế. Giấy chứng nhận đề rõ: "Sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh về vi khuẩn học đối với nguồn nước uống và bổ sung thêm một số vi chất cho người như sắt, canxi".

Tuy nhiên, tại hầu hết cửa hàng kinh doanh sản phẩm bình lọc nước trên địa bàn Hà Nội, phần lớn các loại bình lọc đều không có Giấy chứng nhận chất lượng vệ sinh.

Uống nước trực tiếp tại bình lọc: Hiểm họa khôn lường

Theo Tiến sĩ Cao Thế Hà, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững, các loại bình lọc nước dùng trong gia đình hoạt động theo nguyên lý lọc thông qua nhiều dạng vật liệu. Mỗi hãng sản xuất sử dụng một dạng vật liệu khác nhau, nhưng tựu trung vẫn chỉ lọc được những chất không hòa tan có kích cỡ nhất định. Chỉ những bình có màng lọc có khả năng lọc các tạp chất kích thước 0,2-0,4 micromet thì mới có khả năng loại vi khuẩn.

Tuy nhiên, dù màng lọc tốt đến đâu thì các chất hòa tan vẫn đi qua được, nghĩa là nó chỉ đảm bảo được về mặt vi sinh, còn về mặt hóa học thì không thể. Vì vậy, cần phải có thêm than hoạt tính để lọc những chất độc. Về cơ bản, hầu hết các loại máy lọc nước hiện nay đều có một lớp than hoạt tính. Tuy nhiên, than hoạt tính cũng chỉ có tác dụng tốt trong một thời gian nhất định. Sau khoảng thời gian này, các loại tạp chất sẽ bám dày đặc quanh lớp than, trở thành một ổ chứa các loại vi trùng, vi khuẩn. Nếu người tiêu dùng không thay kịp thời thì lớp than này sẽ làm nước sau khi lọc trở nên độc hơn. Vì vậy, có thể khẳng định chất lượng nước lọc bằng bình lọc nước không chỉ phụ thuộc vào vật liệu lọc mà còn phụ thuộc vào cách thức sử dụng.

Bên cạnh đó, trên thực tế, công tác quản lý, giám sát những sản phẩm còn khá lỏng lẻo. Các sản phẩm trên có thể tùy tiện lắp ghép các bộ phận của bình lọc với nhau. Một người bán hàng tại đường Nguyễn Thái Học còn cho biết, có khi bình đựng là của Hàn Quốc, nhưng thân bình của Trung Quốc, than hoạt tính lại của Australia...

Trước thực trạng đó, tiến sĩ Hà khuyến cáo, tốt nhất là nên sử dụng nước máy để lọc sau đó đun sôi lên rồi mới sử dụng để uống. Còn khi chất lượng bình lọc không tốt thì nước dù đã đun sôi trước đó khi đưa qua bình lọc sẽ lại nhiễm bẩn hơn.

Hiện nay, vì nguồn nước ở một số đô thị đang bị ô nhiễm nặng nên tâm lý chung của người dân là mua bình lọc để sử dụng. Tuy nhiên, trong khi chưa có những tiêu chuẩn nhất định về chất lượng nước trong bình, các chuyên gia khuyên rằng, trước khi dùng bình lọc nước, người sử dụng nên mang nó đến các cơ quan có chức năng kiểm nghiệm nước như Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (số 1 Yersin, Hà Nội), Trung tâm phân tích và xử lý môi trường (Viện Hóa học công nghiệp, 2 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội) hoặc Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh để kiểm tra nước trước và sau khi lọc (chi phí kiểm nghiệm là 200.000-300.000 đồng/mẫu). Nếu kết quả đạt yêu cầu, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng để lọc nước dùng trong sinh hoạt (nấu cơm, canh, nấu nước...). Cũng cần lưu ý là cứ định kỳ một thời gian sử dụng, phải vệ sinh màng lọc và thay than hoạt tính.

Tin liên quan

Giật minh: Lấy nước giếng ở nghĩa trang để sinh hoạt (07/05/2016)

Cách uống nước đá đem nhiều lợi ích cho cơ thể (19/09/2016)

Một số phương pháp nhận biết nước nhiễm độc (29/04/2016)

Nhìn ăn để mua nước (23/05/2016)

Đối phó với căn bệnh ngứa da của trẻ em ngày hè (22/04/2016)

Chuyên gia nước ngoài đánh giá xả thải ở Vũng Áng (09/05/2016)

Nước như thế nào đủ tiêu chuẩn uống được? (20/05/2016)

Chứng nhận công nghệ của Mỹ (01/12/2015)

Lên đầu trang