Những thách thức sử dụng nguồn nước trong tương lai

Sự gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế xã hội trong thế kỷ 21 sẽ làm gia tăng mạnh nhu cầu dùng nước và đồng thời tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Tài nguyên nước (xét cả về lượng và chất) liệu có đảm bảo cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội trong hiện tại và tương lai của nước ta hay không? Đây là một vấn đề lớn cần được quan tâm. Dưới đây xin nêu một số thách thức chủ yếu.
 
Trước hết, sự gia tăng dân số sẽ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu nước sạch cho ăn uống và lượng nước cần dùng cho sản xuất. Đồng thời, tác động của con người đến môi trường tự nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng sẽ ngày càng mạnh mẽ, có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng.
 
Ở nước ta, mức bảo đảm nước trung bình cho một người trong một năm từ 12.800 m3/người vào năm 1990, giảm còn 10.900 m3/người vào năm 2000 và có khả năng chỉ còn khoảng 8500 m3/người vào khoảng năm 2020. Tuy mức bảo đảm nước nói trên của nước ta hiện nay lớn hơn 2,7 lần so với Châu Á (3970 m3/người) và 1,4 lần so với thế giới (7650 m3/người), nhưng nguồn nước lại phân bố không đều giữa các vùng. Do đó, mức bảo đảm nước hiện nay của một số hệ thống sông khá nhỏ: 5000 m3/người đối với các hệ thống sông Hồng, Thái Bình, Mã và chỉ đạt 2980 m3/người ở hệ thống sông Đồng Nai. Theo Hội Nước Quốc tế (IWRA), nước nào có mức bảo đảm nước cho một người trong một năm dưới 4000 m3/người thì nước đó thuộc loại thiếu nước và nếu nhỏ hơn 2000 m3/người thì thuộc loại hiếm nước. Theo tiêu chí này, nếu xét chung cho cả nước thì nước ta không thuộc loại thiếu nước, nhưng không ít vùng và lưu vực sông hiện nay đã thuộc loại thiếu nước và hiếm nước, như vùng ven biển Ninh Thuận - Bình Thuận, hạ lưu sông Đồng Nai. Đó là chưa xét đến khả năng một phần đáng kể lượng nước được hình thành ở nước ngoài sẽ bị sử dụng và tiêu hao đáng kể trong phần lãnh thổ đó.
 
Hơn nữa, nguồn nước sông tự nhiên trong mùa cạn lại khá nhỏ chỉ chiếm khoảng 10 - 40% tổng lượng nước toàn năm, thậm chí bị cạn kiệt và ô nhiễm, nên mức bảo đảm nước trong mùa cạn nhỏ hơn nhiều so với mức bảo đảm nước trung bình toàn năm.
 
Nhu cầu dùng nước tăng lên mạnh mẽ
 
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội và sự gia tăng dân số, nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt, sản xuất công nông nghiệp sẽ tăng lên mạnh mẽ trong tất cả các vùng. Theo kết quả đánh giá năm 1999, tổng lượng nước cần dùng của cả nước chiếm khoảng 8,8% tổng lượng dòng chảy năm tương ứng với tần suất 75%, tăng lên tới 12,5% vào năm 2000 và 16,5% vào khoảng năm 2010. Tổng lượng nước dùng để tưới cho cây trồng khá lớn, từ 41 km3 (chiếm 89,8%) năm 1985, tăng lên 46,9 km3 (năm 1990) và 60 km3 năm 2000 (chiếm 85%). Lượng nước cần dùng trong mùa cạn rất lớn, nhất là lượng nước dùng cho nông nghiệp. Tổng lượng nước cần dùng trong mùa cạn năm 2000 đạt tới 70,7 km3, chiếm khoảng 42,4% tổng lượng nước có khả năng cung cấp trong mùa cạn (bao gồm nước sông, nước dưới đất và nước do các hồ chứa điều tiết), hay 51% tổng lượng dòng chảy mùa cạn tương ứng với tần suất 75%. Vào khoảng năm 2010, tổng lượng nước cần dùng trong mùa cạn có thể tới 90 km3, chiếm khoảng 54% tổng lượng nước có thể cung cấp hay 65% tổng lượng dòng chảy trong mùa cạn tương ứng với tần suất 75%. Đặc biệt, ở không ít vùng và lưu vực sông, lượng nước cần dùng có thể gấp vài lần tổng lượng nước có thể cung cấp, tức là chẳng những vượt quá xa ngưỡng lượng nước cần có để duy trì sinh thái mà còn không có nguồn nước tại chỗ để cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất.
 
Cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước.
 
Như trên đã nêu, sự gia tăng dân số và các hoạt động của con người sẽ ngày càng tác động mạnh mẽ đến môi trường tự nhiên nói chung và môi trường nước nói riêng. Những hoạt động tự phát, không có quy hoạch của con người như chặt phá rừng bừa bãi, canh tác nông lâm nghiệp không hợp lý và thải chất thải bừa bãi vào các thuỷ vực... đã và sẽ gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng, làm cho nguồn nước bị cạn kiệt, bị ô nhiễm, hạn hán có khả năng càng khốc liệt. Nguy cơ thiếu nước sạch càng trầm trọng, nhất là vào mùa cạn ở các vùng mưa ít
 
Tác động của biến đối khí hậu toàn cầu
 

Sự biến đổi của khí hậu toàn cầu đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Theo đánh giá bước đầu, vào khoảng năm 2070, với kịch bản nhiệt độ không khí tăng thêm 2,5 - 4,50C, lượng dòng chảy sông ngòi cũng sẽ biến đổi tuỳ theo mức độ biến đổi của lượng mưa, nếu lượng mưa giảm 10% thì dòng chảy năm có thể giảm 17 - 53% đối với kịch bản nhiệt độ không khí tăng 2,50C và giảm 26 - 90% với kịch bản nhiệt độ không khí tăng 4,50C. Mức độ biến đổi mạnh nhất xẩy ra ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
 
Ngoài ra, trái đất nóng lên sẽ làm cho nước biển có thể dâng cao thêm 0,3 - 1,0 m và do đó nhiều vùng thấp ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ sẽ bị ngập chìm trong nước biển. Nếu nước biển dâng 1 m, diện tích ngập lụt là 40.000 km2, chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, 1700 km2 vùng đất ngập nước cũng bị đe doạ và 17 triệu người sẽ chịu hậu quả của lũ lụt.
 
Cuối cùng, sự cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước cũng như sự khan hiếm nguồn nước sẽ càng trầm trọng nếu không có các biện pháp quản lý tốt tài nguyên nước. Cũng vì lẽ đó mà người ta cho rằng, khủng hoảng nước hiện nay không chỉ do nước quá ít không đủ để thoả mãn nhu cầu của con người mà còn do sự quản lý nguồn nước quá kém gây nên hàng tỷ người và môi trường gánh chịu hậu quả.
 
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 5/3/2003 được thảo luận tại diễn đàn thế giới lần thứ 3 về nước, tổ chức tại Kyoto (Nhật Bản) từ ngày 16-23/3/2003 cho thấy, nguồn nước sạch toàn cầu đang cạn kiệt một cách đáng lo ngại do sự bùng nổ dân số, tình trạng ô nhiễm môi trường cùng với nhiệt độ trái đất nóng lên sẽ làm mất đi khoảng 1/3 nguồn nước sử dụng trong 20 năm tới. Hiện nay đã có khoảng 12.000 km3 nước sạch trên thế giới bị ô nhiễm, hàng năm có hơn 2,2 triệu người chết do các căn bệnh có liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm và điều kiện vệ sinh nghèo nàn.

Tóm lại, khan hiếm và thiếu nước là mối đe doạ rất nghiêm trọng đối với sự tồn tại của con người trong tương lai. Vì lẽ đó, cần có các giải pháp quản lý, khai thác và bảo vệ tốt tài nguyên nước. Trước hết, cần phải củng cố, bổ sung mạng lưới điều tra quan trắc tài nguyên nước, bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất, cả lượng và chất, hình thành mạng lưới quan trắc điều tra tài nguyên nước thống nhất trong phạm vi cả nước, tiến hành kiểm kê đánh giá tài nguyên nước trong các lưu vực sông, các vùng và toàn lãnh thổ. Trên cơ sở kiểm kê đánh giá tài nguyên nước và cân bằng kinh tế nước mà xây dựng chiến lược, chính sách phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia nói chung và cho các lưu vực nói riêng. Cần thực hiện nghiêm chỉnh Luật Tài nguyên Nước và đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Tài nguyên Nước Quốc gia và Ban quản lý lưu vực các sông.
 Những thách thức về nguồn nước đã nói cho chúng ta biết thực trạng nguồn nước như thế nào. Nước là tài nguyên vô tân thật đấy, nhưng nguồn nước sạch đang khan hiếm hãy tiết kiệm nguồn nước là vấn đề cấp thiết hiện nay.
 

 

Tin liên quan

Nước lũ Nhật Bản sạch như nước… hồ bơi! (03/05/2016)

Sạch phổi chỉ trong 3 ngày nhờ nước trái cây? (25/04/2016)

Uống nước đun sôi hay nước qua máy lọc tốt hơn (14/04/2016)

“Soi” cốc nước bạn uống hàng ngày (19/04/2016)

Có nên sử dụng nước mưa để sinh hoạt không? (12/04/2016)

Phát minh nhỏ bé này sẽ cứu hàng triệu người trên thế giới khỏi tình trạng thiếu nước sạch (07/07/2016)

Tác dụng của hệ thống xử lý nước đầu nguồn (21/05/2016)

Bí thư Thành ủy TP HCM xót xa khi dân chưa có nước sạch (23/05/2016)

Lên đầu trang